Tổng hợp tất tần tật các vấn đề đáng lưu ý liên quan đến thủ tục thành lập doanh nghiệp

“Phi thương bất phú” là cụm từ không còn xa lạ với dân kinh doanh. Thực tế cho thấy xu hướng thành lập doanh nghiệp đang gia tăng đáng kinh ngạc.

Tuy nhiên, nhiều người thành lập doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn về các điều kiện, quy định pháp luật liên quan đến thủ tục thành lập mới doanh nghiệp. Thấu hiểu được vấn đề này, Le Huynh Law Firm sẽ tư vấn cụ thể các điểm cần lưu ý khi thành lập doanh nghiệp nhằm giúp các chủ doanh nghiệp an tâm hoạt động kinh doanh mà không gặp rắc rối về vấn đề pháp lý từ lúc bắt đầu thành lập doanh nghiệp.


  1. Lựa chọn các loại hình doanh nghiệp phù hợp

Sau đây là một số đặc điểm các loại hình doanh nghiệp để các nhà đầu tư lựa chọn:

  • Doanh nghiệp tư nhân: là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
  • Công ty TNHH một thành viên: là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu. Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
  • Công ty TNHH hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.
  • Công ty cổ phần là doanh nghiệp trong đó cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa; cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp; Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.
  • Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:
  • Phải có ít nhất 02 thành viên hợp danh. Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;
  • Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
  • Thành viên góp vốn có thể là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.

Mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau nên tùy vào số lượng người cùng nhau góp vốn kinh doanh, mục đích, quy mô kinh doanh để chọn ra loại hình doanh nghiệp phù hợp nhất.

2. Ai không được thành lập doanh nghiệp?

Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân;

b) Cán bộ, công chức, viên chức;

c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và các đối tượng khác liên quan;

d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước;

đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

g) Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động.

Tham khảo chi tiết tại khoản 2, Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 (LDN 2020).

Ngoài những nhóm đối tượng quy định tại khoản 2, Điều 17 LDN 2020 như nêu trên, các đối tượng còn lại được quyền thành lập doanh nghiệp và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam.

3. Cách đặt tên doanh nghiệp

  • Tên tiếng Việt bao gồm: Loại hình doanh nghiệp + tên riêng.

Ví dụ: Công ty TNHH ABC.

  • Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh.
  • Tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài.

Những điều cấm khi đặt tên doanh nghiệp:

  • Không được đặt tên trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã được đăng ký.
  • Không được sử dụng tên cơ quan nhà nước; tên của các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp.
  • Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục.

4. Quy định về trụ sở chính của doanh nghiệp

  • Là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính.
  • Trường hợp đặt trụ sở chính tại các chung cư, tòa nhà cao tầng và nhà tập thể thì cần có văn bản của chủ đầu tư xác nhận vị trí đặt trụ sở có chức năng thương mại.
  • Một địa chỉ có thể có nhiều doanh nghiệp cùng đăng ký trụ sở chính tại đây.

5. Các quy định về con dấu của doanh nghiệp

  • Từ ngày 01/01/2021, các doanh nghiệp không cần phải thực hiện thủ tục thông báo mẫu dấu đến Phòng Đăng ký kinh doanh giống như trước đây nữa.
  • Doanh nghiệp tự khắc dấu và quản lý con dấu, tự chịu trách nhiệm về con dấu của doanh nghiệp.
  • Doanh nghiệp có thể khắc nhiều con dấu giống nhau để sử dụng, không hạn chế số lượng con dấu.
  • Hình dạng con dấu cho doanh nghiệp lựa chọn: Hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật,…

6. Thành lập doanh nghiệp cần bao nhiêu vốn?

  • Liên quan đến quy định về đăng ký vốn điều lệ, pháp luật doanh nghiệp không ấn định mức thấp nhất hoặc cao nhất số vốn điều lệ có thể đăng ký khi thành lập doanh nghiệp.
  • Tuy nhiên, đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ có yêu cầu vốn pháp định (số vốn điều lệ tối thiểu doanh nghiệp phải đăng ký khi kinh doanh ngành nghề đặc thù đó).

7. Đăng ký ngành nghề kinh doanh

  • Đăng ký ngành nghề kinh doanh cấp 4 được liệt kê theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg về Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
  • Doanh nghiệp có thể ghi cụ thể chi tiết ngành nghề kinh doanh phù hợp theo nhu cầu của từng doanh nghiệp.

Ví dụ: Doanh nghiệp muốn kinh doanh ngành nghề bán buôn lúa, gạo, chè,… thì có thể đăng ký như sau:

Mã ngành cấp 4: 4632 – Bán buôn thực phẩm

Chi tiết: Bán buôn lúa, gạo sạch và chè các loại.

  • Không được đăng ký ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh. Các ngành nghề bị cấm kinh doanh theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư 2020.
  • Đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện: Các doanh nghiệp vẫn được phép đăng ký khi thành lập doanh nghiệp tại Phòng Đăng ký kinh doanh, tuy nhiên để được phép hoạt động kinh doanh ngành nghề có điều kiện thì doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện đặc thù, giấy phép con liên quan đến ngành nghề có điều kiện đó.

Dịch vụ pháp lý của Le Huynh Law Firm về thủ tục thành lập doanh nghiệp:

  • Thành lập doanh nghiệp;
  • Thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh;
  • Thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp: tên, trụ sở, ngành nghề, vốn, giám đốc,…
  • Tư vấn thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;
  • Tư vấn M&A;
  • Thủ tục giải thể, tạm ngừng kinh doanh;
  • Thủ tục cấp các loại giấy phép kinh doanh có điều kiện (giấy phép con);
  • Các dịch vụ pháp lý khác.

Tham khảo quy định pháp luật: 

  • Căn cứ quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020;
  • Căn cứ quy định tại Luật Đầu tư 2020;
  • Căn cứ quy định tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 do Chính phủ ban hành về đăng ký doanh nghiệp;
  • Căn cứ quy định tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg về Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Trên đây là nội dung tư vấn của Le Huynh Law Firm về các điểm cần lưu ý liên quan đến thủ tục thành lập doanh nghiệp mới, trường hợp có bất cứ thắc mắc nào cần được giải đáp, vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật số (028) 1088 – VNPT TP.HCM, nhấn phím 0, gặp chuyên viên tư vấn của Le Huynh Law Firm để được tư vấn và hỗ trợ.

Nội dung được kiểm duyệt bởi: Tập thể Luật sư của Le Huynh Law Firm. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *