Điều kiện, thủ tục tiến hành phá sản doanh nghiệp mới nhất

Phá sản doanh nghiệp là tình trạng của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản. Đăng ký thành lập doanh nghiệp là một công việc pháp lý đơn giản. Tuy nhiên, khi tiến hành thủ tục phá sản, quy trình phức tạp hơn rất nhiều. Do đó, việc phá sản doanh nghiệp là thủ tục không dễ để thực hiện.

Để đảm bảo an toàn pháp lý khi thực hiện thủ tục phá sản doanh nghiệp, trong phạm vi bài viết này, Le Huynh Law Firm sẽ tư vấn quy định về phá sản doanh nghiệp, quy trình phá sản doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành. 

  1. Điều kiện phá sản doanh nghiệp

Căn cứ khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản 2014 quy định để được công nhận là phá sản, doanh nghiệp phải đáp ứng đồng thời cả 02 điều kiện sau:

  • Mất khả năng thanh toán;
  • Bị Tòa án nhân dân tuyên bố phá sản.

Trong đó, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.

  1. Trình tự giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp

Thủ tục phá sản doanh nghiệp quy định trong Luật Phá sản 2014 diễn ra gồm các bước sau:

  • Bước 1: Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp

Người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp theo quy định tại Điều 5 Luật Phá sản 2014 bao gồm:

  1. Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán;
  2. Người lao động, công đoàn có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, không thực hiện nghĩa vụ thanh toán;
  3. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán;
  4. Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán;
  5. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán.
  • Bước 2: Tòa án nhận đơn và xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp

Trong khoảng thời gian 03 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp, Tòa án sẽ tiến hành phân công Thẩm phán hoặc thành lập Tổ Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn yêu cầu và xử lý như sau:

  1. Trường hợp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp hợp lệ, Thẩm phán thông báo cho người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp về việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, trừ những trường hợp không phải nộp, tạm ứng lệ phí, chi phí phá sản.
  2. Trường hợp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp không đủ các nội dung theo quy định thì Thẩm phán thông báo cho người nộp đơn sửa đổi, bổ sung đơn.
  3. Nếu đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì chuyển đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
  4. Trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp.

Việc thông báo việc xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp phải bằng văn bản trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý đơn, gửi cho người nộp đơn và doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán biết.

  • Bước 3: Tòa án thụ lý đơn

Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp khi nhận được biên lai nộp lệ phí phá sản, biên lai nộp tạm ứng chi phí phá sản của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp.

  • Bước 4: Mở thủ tục phá sản

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp, Thẩm phán phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản.

Trường hợp cần thiết, trước khi ra quyết định mở thủ tục phá sản, Thẩm phán có thể triệu tập phiên họp với sự tham gia của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp bị yêu cầu mở thủ tục phá sản, cá nhân, tổ chức có liên quan để xem xét, kiểm tra các căn cứ chứng minh doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

  • Bước 5: Hội nghị chủ nợ

Hội nghị chủ nợ là cuộc họp của các chủ nợ được triệu tập trong thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp để thảo luận thông qua phương án hòa giải, giải pháp tổ chức lại hoạt động doanh nghiệp hoặc kiến nghị về phương án phân chia tài sản khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản

Thời hạn Thẩm phán triệu tập Hội nghị chủ nợ là 20 ngày kể từ ngày kết thúc việc kiểm kê tài sản trong trường hợp việc kiểm kê tài sản kết thúc sau việc lập danh sách chủ nợ hoặc kể từ ngày kết thúc việc lập danh sách chủ nợ trong trường hợp việc kiểm kê tài sản kết thúc trước việc lập danh sách chủ nợ.

  • Bước 6: Ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản

Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng vẫn mất khả năng thanh toán, Thẩm phán ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản.

  • Bước 7: Thi hành tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản

Sau khi có Quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản của Tòa án, các bên sẽ tiến hành thực hiện việc thanh lý tài sản phá sản và phân chia tiền thu được từ việc bán tài sản của doanh nghiệp cho các đối tượng theo thứ tự phân chia tài sản.

  1. Thứ tự chi trả khi doanh nghiệp phá sản

Trường hợp Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản còn lại của doanh nghiệp được ưu tiên thanh toán theo thứ tự sau:

  • Đầu tiên, khoản nợ có bảo đảm: các khoản vay có thế chấp tài sản.
    Tiếp theo, đến chi phí phá sản cho Toà án.
  • Thứ hai, các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể mà doanh nghiệp và người lao động đã ký kết.
  • Thứ ba, khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Thứ tư, nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

Trường hợp giá trị tài sản không đủ để thanh toán các chi phí theo quy định thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.

Dịch vụ pháp lý của Le Huynh Law Firm về thủ tục thành lập doanh nghiệp:

  • Tư vấn các vấn đề pháp lý phát sinh liên quan đến yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp.
  • Liệt kê danh mục hồ sơ khách hàng cần cung cấp, chuẩn bị.
  • Soạn thảo, chuẩn bị hồ sơ và gửi hồ sơ cho khách hàng ký.
  • Đại diện khách hàng thực hiện các thủ tục pháp lý với cơ quan có thẩm quyền.
  • Nộp hồ sơ, nhận kết quả và bàn giao cho khách hàng.
  • Hỗ trợ nộp phí, lệ phí theo quy định.

Tham khảo quy định pháp luật: 

  • Căn cứ quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020;
  • Căn cứ quy định tại Luật Phá sản 2014.

Trên đây là nội dung tư vấn của Le Huynh Law Firm về hướng dẫn phá sản doanh nghiệp, trường hợp có bất cứ thắc mắc nào cần được giải đáp, vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật số (028) 1088 – VNPT TP.HCM, nhấn phím 0, gặp chuyên viên tư vấn của Le Huynh Law Firm để được tư vấn và hỗ trợ.

Nội dung được kiểm duyệt bởi: Tập thể Luật sư của Le Huynh Law Firm. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *