Thuê côn đồ đòi nợ, chủ nợ vướng vào lao lý

Theo hồ sơ vụ án , bà Ngô Thị Kim L nhờ “con nuôi” lập tài khoản kinh doanh tiền ảo, nhưng sau đó phát hiện thất thoát 139 đồng ETH (tương đương 12 tỉ đồng). Cho rằng “con nuôi” lấy, bà đã thuê côn đồ dùng vũ lực đòi nợ.

Vấn đề đặt ra là hành vi thuê côn đồ dùng vũ lực đòi nợ có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Để làm rõ vấn đề trên, Công ty Luật Lê Huỳnh (Le Huynh Law Firm) có ý kiến pháp lý như sau:

THUÊ CÔN ĐỒ ĐÒI NỢ 12 TỈ TIỀN ẢO

Hồ sơ vụ án thể hiện tháng 7-2019, bà Ngô Thị Kim L (63 tuổi, trú quận Ba Đình, Hà Nội) quen biết anh Hà Đình Đ (27 tuổi, trú tỉnh Hải Dương).

Bà L sau đó nhờ Đ lập tài khoản để kinh doanh tiền ảo, lợi nhuận được trả bằng đồng ETH (đồng tiền ảo). Đến tháng 12-2019, bà L kiểm tra tài khoản, bị thất thoát 139 đồng ETH (quy đổi tại thời điểm năm 2019, tương đương 1 tỉ đồng).

Bà cho rằng Đ lấy số tiền trên nên nhiều lần đòi nhưng Đ nói không lấy, trốn tránh, không gặp.

Đến tháng 6-2021, bà L nhờ Lê H và Lê Viết H (cùng 40 tuổi, trú Thanh Hóa) đòi tiền giúp.

Nhóm này hẹn gặp anh Đ để chốt số tiền nợ. Đ nhận là người tư vấn cho bà L đầu tư dẫn đến việc bà bị thất thoát tiền ảo. Anh viết giấy nhận nợ 139 đồng ETH (quy đổi tại thời điểm 2021, tương đương 12 tỉ đồng), hẹn trả dần hằng tháng.

Tính đến tháng 10-2021, Đ đã trả cho bà L 384 triệu đồng, tương đương 7 đồng ETH, còn lại 132 đồng ETH.

Đến đầu tháng 3-2022, không liên lạc được với Đ, bà L tiếp tục nhờ Lê H và Lê Viết H đòi nợ, hứa chia 50%.

Để đòi nợ, Lê H và Lê Viết H nhờ Nguyễn Trọng Tr (39 tuổi, trú huyện Quốc Oai) làm tại một văn phòng bất động sản tìm Đ, thỏa thuận chia 25%.

Trình sau đó tìm cách hẹn gặp Đ tại một quán cà phê và gọi điện cho Đặng Tuấn N (46 tuổi, trú Thạch Thất, có nhiều tiền án) và Nguyễn Phùng Th (32 tuổi, trú Quốc Oai) nhờ đến hỗ trợ.

Gặp Đ, cả nhóm đe dọa, đòi tiền nhưng anh này nói không có.

Trình ngồi sát bên Đ, nói: “Mày có biết đất này là đất của tao không? Trả tiền cô ấy đi”…

Do bị thúc ép, anh Đ vay được 50 triệu đồng rồi chuyển vào tài khoản của bà L. Nhóm “chủ nợ” tiếp tục yêu cầu Đ nếu có đất, ô tô thì viết giấy chuyển nhượng để trả nợ.

Do không thể vay được thêm tiền và sợ nhóm “chủ nợ” đánh, anh Đ giả vờ xin đi vệ sinh rồi nhắn tin cho bạn nhờ trình báo sự việc đến công an. Khi anh Đ từ trong nhà vệ sinh ra thì bị Tr lao vào đánh đập.

Hội đồng xét xử đánh giá hành vi của các bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm tinh thần, tài sản… của người khác. Tòa cũng cho rằng bị hại có một phần lỗi.

Tòa tuyên phạt bị cáo Ngô Thị Kim L 13 năm tù về tội cướp tài sản. Cùng tội danh trên, các bị cáo còn lại lãnh thấp nhất 10 năm tù, cao nhất 13 năm tù.

Hiện nay, có rất nhiều vụ việc xảy ra trong thực tiễn, người đi thu nợ sử dụng vũ lực, hành hung “con nợ” để ép trả nợ thì người đi thu nợ, người bị mất tài sản lại trở thành bị cáo với tội danh “Cướp tài sản” quy định tại Điều 168 BLHS năm 2015. Điều đó đã để lại nhiều băn khoăn, trăn trở cho những người tiến hành tố tụng và dư luận xã hội. Quá trình điều tra, truy tố và xét xử những vụ việc như vậy, thực tế tất cả chúng ta đều nhận thấy một điều, việc dùng vũ lực, hành hung “con nợ” ép để trả nợ, trả tài sản vốn là của mình hoàn toàn khác với bản chất việc dùng vũ lực để cướp tài sản của người khác. Mặt khác, đối với các vụ án đi đòi nợ, đi đòi tài sản thuê, cho mượn thì quan hệ sở hữu tài sản là một vấn đề còn có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến định tội danh. Thực tế sẽ có trường hợp tài sản đó là của chính người đi đòi bị con nợ cố tình không trả hoặc cố tình chiếm giữ chứ không phải là tài sản của con nợ hoặc tài sản của người khác. Khách thể của hành vi cướp tài sản và hành vi đòi nợ trái pháp luật trong những trường hợp này về bản chất là khác nhau.

GÓC NHÌN CỦA LUẬT SƯ

Xét về nguyên nhân, động cơ và mục đích phạm tội thì tội “Cướp tài sản” là mong muốn chiếm đoạt tài sản của người khác trái pháp luật, trong khi đó người đi đòi nợ có lý do chính đáng vì tài sản con nợ chiếm giữ có thể là tài sản của người đi đòi nợ, cái sai của người đi đòi là dùng vũ lực để đòi nợ, trở thành “cướp tài sản” của chính mình. Nếu các cơ quan và người tiến hành tố tụng chỉ nhìn vào hình thức biểu hiện của hành vi mà không xem xét rõ bản chất của sự việc thì có thể xảy ra oan sai trong quá trình định tội danh.

Rõ ràng, tính chất, mức độ của hành vi đòi nợ trái pháp luật và hành vi cướp tài sản trên thực tế là khác nhau; nguyên nhân, động cơ, mục đích phạm tội cũng khác nhau. Do đó, đối với những vụ việc như vậy, để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng và xử lý một cách thống nhất trong thực tiễn, các cơ quan lập pháp cần sớm nghiên cứu, bổ sung một tội danh riêng và độc lập trong BLHS là tội “Đòi nợ trái pháp luật”, trong đó cần nêu rõ dấu hiệu cấu thành của tội phạm này. Hoặc cũng có thể bổ sung trong tội “Cướp tài sản” quy định tại Điều 168 BLHS một khung hình phạt riêng về hành vi cướp tài sản xuất phát từ đòi nợ trái pháp luật để tương xứng với tính chất, mức độ hành vi mà các đối tượng phạm tội gây ra.

Dịch vụ pháp lý của Le Huynh Law Firm về lĩnh vực tố tụng hình sự:

  • Hỗ trợ khách hàng soạn các văn bản kiến nghị, khiếu nại kịp thời trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử;
  • Tư vấn về xác định tội danh, hình phạt, trách nhiệm bồi thường và các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự;
  • Tư vấn và giải thích cho khách hàng hiểu quy trình tố tụng từ giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử; tư vấn để khách hàng hiểu rõ các quyền và nghĩa vụ của bị can, bị cáo khi bị tạm giam, tạm giữ.
  • Tư vấn và hỗ trợ khách hàng cung cấp, thu thập tài liệu chứng cứ.

Trên đây là nội dung tư vấn của Le Huynh Law Firm, trường hợp có bất cứ thắc mắc nào cần được giải đáp, vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật của Le Huynh Law Firm thông qua số hotline 1900 988 998 để được tư vấn và hỗ trợ.

Nội dung được kiểm duyệt bởi: Tập thể Luật sư của Le Huynh Law Firm. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *