Tất tần tật về thủ tục lập di chúc mới nhất

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

  1. Di chúc được coi là hợp pháp phải tuân thủ các điều kiện sau:

– Người lập di chúc phải có năng lực chủ thể

Người lập di chúc là người từ đủ 18 tuổi có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể lập di chúc nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc.

– Người lập di chúc tự nguyện

Di chúc hợp pháp là di chúc được tạo lập dựa trên sự tự nguyện của người lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép. Điều kiện về tính tự nguyện của người lập di chúc xuất phát từ điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự nói chung.

– Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội

Nội dung của di chúc là sự thể hiện ý chí của người lập di chúc về việc định đoạt tài sản của mình cho những người thừa kế. Người lập di chúc chỉ định người thừa kế, giao nghĩa vụ cho người thừa kế, phân định di sản thừa kế,… Các nội dụng trên phải phù hợp với các quy định của Nhà nước và không trái với đạo đức xã hội, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định Điều 3 BLDS năm 2015.

– Hình thức của di chúc không trái quy định của pháp luật

Di chúc phải được lập dưới một hình thức nhất định. Pháp luật quy định có hai loại:

+ Di chúc bằng văn bản: Là loại di chúc được thể hiện dưới dạng chữ viết (viết tay, đánh máy, in) có chứng nhận hoặc không có chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bao gồm các loại sau:

  • Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng
  • Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng
  • Di chúc bằng văn bản có công chứng
  • Di chúc bằng văn bản có chứng thực

+ Di chúc miệng: Toàn bộ ý chí của người lập di chúc trong việc định đoạt khối di sản của mình cho người khác sau khi mình chết được thể hiện bằng lời nói.

Di chúc miệng chỉ được công nhận là hợp pháp khi người lập di chúc ở trong tình trạng tính mạng bị đe dọa nghiêm trọng mà không thể lập di chúc bằng văn bản được. Người lập di chúc miệng thể hiện ý chỉ cuối cùng trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng kí tên hoặc điểm chỉ. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

  1. Thủ tục lập di chúc trong các trường hợp cụ thể
  • Thủ tục lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng

Theo Điều 633 BLDS năm 2015, đối với loại di chúc này người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc. Nội dung của di chúc phải gồm các nội dung chủ yếu sau:

– Ngày, tháng, năm lập di chúc;

– Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

– Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

– Di sản để lại và nơi có di sản.

Ngoài các nội dung trên di chúc có thể có các nội dung khác. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.

  • Thủ tục lập di chúc lập bằng văn bản có người làm chứng

Khi người lập di chúc không tự mình viết được thì có thể tự đánh máy hoặc nhờ người khác viết, đánh máy nhưng phải đảm bảo có ít nhất 02 người làm chứng và:

– Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào di chúc trước mặt những người làm chứng;

– Người làm chứng phải xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.

  • Thủ tục lập di chúc lập bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực

Việc lập di chúc lập bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị giấy tờ

– Giấy tờ tùy thân: Chứng minh nhân dân; Căn cước công dân; Hộ chiếu của người lập và người nhận; Xác nhận tình trạng hôn nhân; Đăng ký kết hôn…;

– Giấy tờ về tài sản: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ); Đăng ký xe ô tô, xe máy…

Bước 2: Nộp hồ sơ

– Cơ quan có thẩm quyền công chứng: Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng ;

– Cơ quan có thẩm quyền chứng thực: Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã.

Người lập di chúc có thể đến bất cứ Cơ quan có thẩm quyền công chứng nào mà không bắt buộc phải trong phạm vi tỉnh nơi có tài sản để thực hiện, kể cả đối với bất động sản.

Bước 3: Thực hiện công chứng, chứng thực di chúc

Công chứng viên hoặc công chức tư pháp xã tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ của người lập di chúc và ghi chép lại nội dung di chúc theo nguyện vọng của họ.

Sau khi được giải thích quyền, nghĩa vụ, xác nhận bản di chúc đã được ghi chép đúng với ý chí của người để lại di chúc, người lập di chúc sẽ được hướng dẫn ký hoặc điểm chỉ vào văn bản.

Sau đó, Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của UBND cấp xã phải ký xác nhận làm chứng và trả lại bản gốc văn bản cho người lập di chúc.

Nếu người lập di chúc yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng hoặc UBND cấp xã lưu giữ di chúc thì sau khi người lập di chúc chết, các đơn vị này sẽ giao lại di chúc cho người thừa kế hoặc người có thẩm quyền công bố di chúc.

Bước 4: Nộp lệ phí, phí công chứng và thù lao công chứng

  • Thủ tục lập di chúc miệng

Như đã trình bày ở trên việc lập di chúc miệng chỉ được thực hiện khi người lập di chúc không thể lập di chúc bằng văn bản do tính mạng đang bị đe dọa. Theo đó, thủ tục lập di chúc miệng được tiến hành như sau:

– Người để lại di chúc phải tuyên bố ý nguyện cuối cùng của mình trước mặt ít nhất 02 người làm chứng;

– Hai người này ghi chép lại, cùng ký tên và điểm chỉ vào bản di chúc mới được ghi chép lại;

– Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày người lập di chúc thể hiện ý chí cuối cùng của mình, bản di chúc này phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định;

– Sau 03 tháng kể từ ngày lập di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc mặc nhiên bị hủy bỏ.

Tham khảo quy định pháp luật: 

  • Điều 624 đến Điều 655 BLDS năm 2015.

Trên đây là nội dung tư vấn của Le Huynh Law Firm về thủ tục lập di chúc mới nhất, trường hợp có bất cứ thắc mắc nào cần được giải đáp, vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật số (028) 1088 – VNPT TP.HCM, nhấn phím 0, gặp chuyên viên tư vấn của Le Huynh Law Firm để được tư vấn và hỗ trợ.

Nội dung được kiểm duyệt bởi: Tập thể Luật sư của Le Huynh Law Firm. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *