04 CÁCH THÔNG BÁO LƯU TRÚ MỚI NHẤT NĂM 2024

Hiện nay, khi có người đến lưu trú, thành viên hộ gia đình, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú. Trường hợp không thông báo lưu trú thì hành vi này có thể sẽ bị xử phạt không thông báo lưu trú. 

Do đó, trong phạm vi bài viết này, Le Huynh Law Firm sẽ tư vấn 04 cách thông báo lưu trú mới nhất để bảo đảm mọi người thực hiện đúng quy định pháp luật.  

Khi nào phải thông báo lưu trú?

Căn cứ khoản 6 Điều 2 Luật Cư trú 2020 có quy định:

Điều 2. Giải thích từ ngữ

  1. Lưu trú là việc công dân ở lại một địa điểm không phải nơi thường trú hoặc nơi tạm trú trong thời gian ít hơn 30 ngày.

Khi có người đến lưu trú tại chỗ ở của cá nhân, hộ gia đình thì cá nhân, hộ gia đình đó có trách nhiệm thông báo lưu trú. Trường hợp cá nhân, thành viên hộ gia đình không có mặt tại chỗ ở đó thì người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú.

Trường hợp có người đến lưu trú tại cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú thì người đại diện của cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú đó có trách nhiệm thông báo lưu trú.

Và trường hợp nếu có người đến lưu trú tại cơ sở khám chữa bệnh thì người đại diện cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm thông báo lưu trú.

Thủ tục thông báo lưu trú

Việc thông báo lưu trú được thực hiện thông qua 02 bước sau:

– Bước 1:

+ Nếu đến lưu trú tại chỗ ở của cá nhân, hộ gia đình, cơ sở lưu trú: Chủ hộ hoặc thành viên hộ gia đình, đại diện cơ sở lưu trú ở khu công nghiệp, cơ sở lưu trú du lịch đề nghị người đến lưu trú xuất trình một trong các giấy tờ pháp lý thể hiện thông tin về số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật và thực hiện tiếp bước 2.

+ Nếu lưu trú tại cơ sở khám chữa bệnh: Đại diện cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm lập danh sách người đến điều trị nội trú và thực hiện tiếp bước 2.

– Bước 2: Tiến hành thông báo lưu trú bằng một trong 04 cách sau:

(i) Thông báo lưu trú trực tiếp: Người có trách nhiệm thông báo lưu trú có thể thông báo lưu trú trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú hoặc địa điểm tiếp nhận thông báo lưu trú do cơ quan đăng ký cư trú quy định.

(ii) Thông báo lưu trú bằng số điện thoại: Người có trách nhiệm thông báo lưu trú có thể thông báo lưu trú bằng số điện thoại do cơ quan đăng ký cư trú thông báo hoặc niêm yết.

(iii) Thông báo lưu trú online qua trang thông báo lưu trú trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.

(iv) Thông báo lưu trú bằng VNeID.

Thời hạn thông báo lưu trú

Việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23 giờ của ngày bắt đầu lưu trú; trường hợp người đến lưu trú sau 23 giờ thì việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 08 giờ ngày hôm sau; trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần.

Ngoài ra, căn cứ điểm b khoản 1 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định: 

Điều 9. Vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú

   1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
    b) Không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng.

Như vậy, trường hợp không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú thì mức phạt không thông báo lưu trú dành cho cá nhân là từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền sẽ từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Trên đây là nội dung tư vấn của Le Huynh Law Firm, trường hợp có bất cứ thắc mắc nào cần được giải đáp, vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật của Le Huynh Law Firm thông qua số hotline 19009359 để được tư vấn và hỗ trợ.

Nội dung được kiểm duyệt bởi: Tập thể Luật sư của Le Huynh Law Firm. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *